Ngành công nghệ thông tin Việt Nam mở đầu năm 2014 với một hiện tượng đặc biệt Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông. Tuy nhiên, áp lực từ nhiều phía đã khiến “chú chim non” này bị chính “cha đẻ” khai tử dù vẫn đang nằm ở vị trí số 1 trên các gian hàng App Store và Google Play.


Tại buổi Toạ đàm CNTT Việt Nam: Cơ hội và thách thức nhân kỉ niệm 25 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về câu chuyện của game di động Flappy Bird gây sốt trên toàn cầu.



Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng năm 2014 ngành công nghệ thông tin Việt Nam có mở đầu rất đặc biệt, được hâm nóng bởi hiện tượng Flappy Bird. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, qua hiện tượng này mới thấy rằng ta rất bị động trong việc tạo môi trường chính sách để làm sao cho có nhiều Flappy Bird.



TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đặt câu hỏi làm sao chúng ta đã có cơ hội, nhưng không phát huy được cơ hội đó, như trường hợp “chú chim bé nhỏ” Flappy Bird chết một cách tức tưởi như vậy?



Ông Trực cho rằng cần có chính sách hỗ trợ những cá nhân giỏi để có những sản phẩm toàn cầu. “Nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hay Chính phủ nhạy cảm phát hiện sớm thì có thể chúng ta sẽ duy trì được Flappy Bird”.



Chia sẻ quan điểm về Flappy Bird, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc công ty CMC cho rằng: “Flappy Bird đã củng cố thêm cho tôi niềm tin, đó là cơ hội của ngành CNTTcủa 6 tỷ dân, và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trên thị trường quốc tế”.



Theo ông Chính, Flappy Bird đã cho thấy một cá nhân, một sản phẩm nhỏ nhưng đã có thể tiệm cận tới trái tim của 50 triệu người trên toàn cầu (số lượng lượt tải Flappy Bird trên App Store và Google Play). Điều này có nghĩa sáng tạo của một cá nhân cũng có thể chinh phục được thế giới.



Không giấu sự thất vọng, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch hội Tin học Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có chính sách nuôi dưỡng và tạo được nhiều người như tác giả của trò chơi Flappy Bird Nguyễn Hà Đông,



Ông Bùi Mạnh Hải cho rằng, nếu chúng ta biết gìn giữ Flappy Bird thì nguồn thu còn to hơn con số 10 tỷ đồng mà cơ quan thuế tính toán được và muốn thu ngay.



“Giống như cái cây, ngay sau khi ra quả bói đầu tiên chúng ta đã tận thu quả đó thì coi như chúng ta đã triệt tiêu cái cây đó. Nếu chúng ta biết chăm sóc thì cái cây đó sẽ cho chúng ta gấp bội lần lần số quả ban đầu”, ông Hải ví von.



Theo ông Hải, tư duy chính sách, cơ quan nhà nước khi thấy có manh nha, có mầm phát triển thì các cơ quan, tổ chức phải giúp đỡ mới thành môt nguồn thu cho đất nước. Chứ không nên vừa manh nha là xúm vào để tận thu, và cho rằng đó mới là công bằng cho xã hội



“Để có nhiều Hà Đông hơn nữa, nhà nước cần có chính sách và phối hợp đồng bộ giữa các bộ để có những quyết định thống nhất hơn”.



Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch hội Truyền thông số cũng cho rằng hiện tượng Nguyễn Hà Đông đã cho thấy những giới trẻ Việt Nam sáng tạo và rất giỏi. Tuy nhiên, nhà nước cần có chính sách khuyến khích cá nhân, không nên thấy nguồn nhu mới nhanh nha là tính đến việc truy thuy, làm triệt tiêu sáng tạo. Ông Hợp nói đó là nguồn thu từ nước ngoài đưa về Việt Nam, thế nên có thể khuyến khích cá nhân sau khi có nhu nhập lớn thì tự điều chỉnh nguồn thu vì người nghèo, có thể lúc đó người ta sẽ nộp nhiều hơn.



Cũng chung niềm trăn trở, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng đại học Công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần có sẵn những chính sách ưu đãi cho các cá nhân để khi có trường hợp như Nguyễn Hà Đông là biết xếp vào chính sách ưu đãi loại nào, thay vì doạ thu thuế như vừa qua.



Tham gia buổi Toạ đàm, Mike MacDonald - Giám đốc Công nghệ (CTO), Tập đoàn Huawei khu vực Đông Nam Châu Á, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tạo ra môi trường, chính sách khuyến khích cộng đồng và từng cá nhân phát huy sáng tạo trong từng lĩnh vực, từng hoạt động cụ thể để phục vụ cho chính cuộc sống của mình.

Nguồn : Dân Trí