Sau hiện tượng Flappy Bird, giới công nghệ Việt đã vẽ nên viễn cảnh màu hồng khi cho rằng đã đến lúc phần mềm nước nhà có thể chen chân vào thị trường thế giới.

Đầu năm 2014, cả thế giới có dịp “phát sốt” với doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày của game di động Flappy Bird (do lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông phát triển). Ngay lập tức giới công nghệ Việt đã vẽ nên viễn cảnh màu hồng khi cho rằng đã đến lúc phần mềm nước nhà có thể chen chân vào thị trường thế giới. Dù vậy, sự hoài nghi vẫn còn rất lớn, nhất là khi ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đang dừng lại ở mức gia công và hiện tượng Flappy Bird cũng “chết” sau đó vài ngày.


Đã có nhiều phần mềm tốt...

Sau khi Flappy Bird bị khai tử và rút khỏi AppStore, truyền thông trong nước đã mổ xẻ cận cảnh. Thành công đến với Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông không phải tự nhiên. Trong lĩnh vực game giải trí, nắm bắt nhu cầu người dùng, cộng thêm chút may mắn có thể đưa một game đơn giản lên hàng “top” với doanh thu “khủng” từ quảng cáo. Ngoài Flappy Bird, vài năm trở lại đây, Việt Nam có không ít phần mềm di động được giới công nghệ thế giới đánh giá cao.

Đầu tiên phải kể đến ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Zalo của Công ty VNG. Ra đời vào tháng 8/2012 và đến cuối năm 2012 sản phẩm này được cải tổ lại toàn diện để phù hợp hơn với người dùng Việt. Với bước đi này, Zalo được lựa chọn là một trong những ứng dụng mobile sáng tạo nhất châu Á. Đến tháng 5/2013, Zalo chạm mốc 2 triệu người dùng - đạt khả năng phát tán tự nhiên như Facebook. Đến nay, Zalo đã có hơn 9 triệu người dùng với lượng tin nhắn sử dụng hàng ngày nhiều nhất tại Việt Nam.

Đầu năm 2012, Nguyễn Long - chàng sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa TPHCM - đã cung cấp cho người dùng BlackBerry một tiện ích mang tên SayIt. Đó là bước hoàn thiện đáng giá cho khả năng tìm kiếm bằng giọng nói, vốn là công nghệ thời thượng lúc bấy giờ.

Sau một thời gian ngắn phát hành, SayIt đã leo lên vị trí số một của AppWorld, đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng… Mới đây nhất, School Cheater (tạm dịch: Gian lận trong thi cử) do Bưởi Studio - một nhà sản xuất game của Việt Nam phát triển, đã được chọn là 1 trong 11 game hay nhất trong cuộc thi Game Development World Championship 2013.



Anh Vũ Hải, một nhà phát triển ứng dụng di động tự do tại TP.HCM khẳng định, tuy chỉ hình thành trong 5 - 6 năm, nhưng cộng đồng viết ứng dụng của Việt Nam đã lên đến hàng ngàn người. Phần lớn trong số đó tự mình viết ra phần mềm di động, sau đó đưa lên các kho ứng dụng để bán. Mỗi download của khách hàng, lập trình viên sẽ nhận được từ 1 - 2 USD. Có người có thu nhập đều đặn vài trăm USD mỗi tháng nếu phần mềm của họ hấp dẫn người dùng.

Cần sự hỗ trợ của dư luận

Cũng theo anh Vũ Hải, với một ngành công nghiệp phần mềm còn khá non trẻ như vậy, những hiện tượng như Flappy Bird, Zalo hay SayIt là cần thiết. Điều đó không chỉ tạo ra tư duy kinh doanh phần mềm cho giới trẻ yêu công nghệ, mà còn thay đổi về cách nhìn của thế giới dành cho thị trường phần mềm Việt. Tuy nhiên, thị trường này hiện đang tồn tại rất nhiều yếu tố tiêu cực.

Với đội ngũ nhân lực lập trình đầy sáng tạo, Việt Nam được chọn là 1 trong 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm của châu Á, trở thành đối tác của hàng loạt nước có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu… Tuy nhiên, đã là gia công thì chỉ được gói gọn trong một phần của sản phẩm. Cho nên, chỉ tính riêng doanh thu trực tiếp từ thị trường game Việt Nam trong năm 2012 đạt tới 6.000 tỷ đồng thì đóng góp của các game sản xuất trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 10% - 15%. Không ít game nhập khẩu vào Việt Nam có một phần do người Việt phát triển.


Giám đốc một công ty phát triển game tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung nhìn nhận, trên các kho ứng dụng như AppStore, Google Play… không thiếu các phần mềm, ứng dụng Việt. Vấn đề nằm ở chỗ, các ứng dụng cứ na ná ý tưởng mà chưa tạo sự đột phá, mới lạ. Các ứng dụng dành riêng cho người Việt thì quá tập trung vào khâu giải trí (xem hình bikini, tử vi, bói toán,...) mà quên đi các tiện ích hỗ trợ cuộc sống.

Đặc biệt, vị giám đốc này khẳng định, yếu tố dư luận và tư duy quản lý trong nước về ngành công nghiệp phần mềm cần phải thay đổi. Như trường hợp khai tử của game Flappy Bird vừa qua, tác giả của game đã chịu không ít áp lực trước những cáo buộc của dư luận như “mượn” ý tưởng của nhiều người, nhiều nơi khác; dùng “thủ thuật” để đẩy vị trí xếp hạng hay chuyện Tổng cục Thuế có ý định “để mắt” tới khoản doanh thu…

Để rồi, tác giả phải thốt lên: “Dân báo chí đang đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đây là điều tôi chưa bao giờ mong muốn. Xin cho tôi chút bình yên”. Nếu có chính sách tốt hơn để can thiệp, Flappy Bird đã là một tài sản của đất nước.

Theo dự báo của ABI Research, doanh thu từ ứng dụng trên điện thoại di động trên thế giới sẽ đạt 46 tỷ USD vào năm 2016, tăng 8,5 tỷ USD so với năm 2011. Dự báo, thị trường game và ứng dụng di động tại Việt Nam cũng sẽ bùng nổ cùng sự phát triển mạnh của gần 10 triệu smartphone và 20 triệu thuê bao 3G.

Vì vậy, các doanh nghiệp phần mềm cho rằng, chỉ khi ứng dụng, game được nhìn nhận là một ngành công nghiệp thực sự với các chính sách hỗ trợ tốt, thì các lập trình viên Việt mới yên tâm sáng tạo và kinh doanh bằng chính sản phẩm trí tuệ của mình.

Nguồn : Zing.vn