Điểm lại những bước phát triển trong giao diện của Mac OS..

Apple Macintosh là một trong những thiết bị đi tiên phong trong việc sử dụng giao diện đồ họa. Hệ điều hành Mac OS đã thay thế giao diện dòng lệnh khô khan và phức tạp trước đó bằng cửa sổ, nút, menu và rất nhiều chi tiết khác giúp việc tương tác với máy tính cá nhân của người tiêu dùng được dễ dàng hơn. Trải qua 30 năm, nền tảng này đã từng bước "tiến hóa" để tiếp tục theo đuổi phương phong cách thiết kế tinh giản, đẹp nhưng dễ dùng mà Apple đã áp dụng ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. Trong bài viết hôm nay, mời các bạn cùng điểm lại những bước phát triển trong giao diện của Mac OS nhé.

Kể từ khi chiếc Macintosh lần đầu tiên xuất hiện với giao diện người dùng đồ họa vào năm 1984 cho đến khi Apple ra mắt hệ điều hành System 6 năm 1988, Mac OS gần như không có nhiều thay đổi về mặt thiết kế. Chúng ta vẫn có những cửa sổ đen trắng, font chữ dẹp và to, ứng dụng tất nhiên là chạy trong các cửa sổ khác nhau với nhiều đường nét thẳng và mạnh mẽ.







Đến năm 1991, Apple lần đầu tiên mang màu sắc vào giao diện của Mac OS với việc ra mắt phiên bản System 7. Đây là đợt nâng cấp lớn đầu tiên xảy ra đối với nền tảng máy tính mang logo quả táo và cũng là bản Mac OS đầu tiên hỗ trợ điện toán 32-bit. Mặc dù nói là đem màu vào hệ điều hành nhưng như các bạn có thể thấy trong ảnh chụp màn hình bên dưới, việc bổ sung màu cũng rất hạn chế.







Đến Mac OS 8, Apple quyết định không sử dụng cái tên "System" nữa mà chỉ đơn giản gắn con số vào sau tên hệ điều hành của mình. Giao diện người dùng lúc đó được gọi là "Platinum". Đến đây thì màu sắc có xuất hiện nhiều hơn một chút nhưng cơ bản Apple vẫn trung thành với các thành phần đồ họa có màu xám, ví dụ như thanh tiêu đề, các tab, thanh cuộn, khu vực menu hệ thống...







Và để cung cấp thêm thông tin cho các bạn thì Mac OS 8 được ra mắt 12 năm sau khi chiếc máy Macintosh đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Trong hơn một thập kỉ, về cơ bản thì chúng ta hoàn toàn có thể nói giao diện của Mac OS không thay đổi gì nhiều. Chỉ có nhiều kích thước màn hình và màu sắc được thêm vào, và Apple di chuyển rất chậm.

NeXT và nền tảng cho giao diện mới của Mac OS

Trong khi Apple không làm gì nhiều với UI của Mac OS thì những anh chàng kĩ sư tại NeXT lại dốc hết sức mình để cải thiện giao diện cho nền tảng của họ. NeXT chính là công ty mà Steve Jobs thành lập nên sau khi bị buộc phải rời khỏi Apple vào năm 1985. Ba năm sau đó NeXT ra mắt chiếc máy tính đầu tiên của mình là NeXT Computer. So với Apple thì doanh số của máy tính NeXT không cao bằng, tổng cộng chỉ 50.000 máy được giao theo số liệu từ Wikipedia, nhưng nó lại có tầm ảnh hưởng lớn trong giới lập trình viên nhờ môi trường phát triển ứng dụng của mình.







Quay trở lại với giao diện của NeXT, chiếc PC đầu tiên mà hãng này ra mắt cũng chỉ có giao diện trắng đen, sau đó đến khi công nghệ cho phép thì họ bắt đầu thêm màu vào sản phẩm của mình. Như tấm ảnh bên dưới bạn có thể thấy NeXT rất cố gắng để bổ sung màu sắc cho nền tảng của mình, từ những logo, icon cho đến các nút trong app.

Và còn quan trọng hơn, thứ mà NeXT đã phát triển quan trọng đến mức Apple phải mua lại công ty này vào 20/12/1996. Apple khi đó đã chi 429 triệu USD tiền mặt cho các nhà đầu tư của NeXT, riêng Steve Jobs nhận 1,5 triệu cổ phiếu Apple (ông không muốn nhận tiền mặt). Mục đích chính mà Apple thực hiện thương vụ này đó là sử dụng NeXTSTEP như là một nền tảng để thay thế cho Mac OS già cỗi. Nói một chút về Steve Jobs thì ông quay trở lại Apple với vai trò cố vấn vào năm 1997 và đến ngày 4/7 trong cùng năm, ông đã lên nắm chức CEO lâm thời. Ba năm sau, Jobs trở thành CEO chính thức.

Con đường đến với OS X

Sau khi mua lại NeXT, Apple giới thiệu Rhapsody, một hệ điều hành được phát triển dựa trên nền BSD và sử dụng microkernel với tên gọi Mach. Nó chứa các hàm API hướng đối tượng Yellow Box, một môi trường chạy Blue Box dành cho các ứng dụng Mac OS cổ điển và một máy ảo Java. Nói ngắn gọn, Rhapsody là một cây cầu giúp kết nối giữa sản phẩm cũ và sản phẩm mới của Apple. Nó cũng là tiền đề để Apple tiếp tục cải tiến giao diện cho hệ thống mới của mình.







Đây là cách Apple mô tả về nó:

"Giao diện người dùng của Rhapsody sẽ kết hợp các nhân tố từ cả Mac OS lẫn NEXTSTEP, tuy nhiên sẽ nghiên nhiều theo thiết kế của trình Finder trên Mac OS (Finder là trình duyệt tập tin mặc định của Mac, tương tự như File Explorer bên Windows). Chúng tôi nhận ra rằng người dùng cần một giao diện thống nhất từ cả hai hệ điều hành để có thể triển khai nó trong tổ chức của mình. Điều đó quan trọng cho công tác huấn luyện và tính dễ sử dụng. Một trong những lợi thế của công nghệ NeXT là nó hỗ trợ cho nhiều phương thức thiết kế giao diện người dùng khác nhau".

Ra đời vào tháng 8/1997, Rhapsody vẫn giữ được những nét đặc trưng của Mac OS với một số thứ được mang từ NeXT sang như hình ảnh mà bạn co 1thể thấy được bên dưới. Màu sắc đã xuất hiện nhiều hơn, icon phong phú hơn, nhưng cửa sổ, thanh menu hệ thống, menu ngữ cảnh... thì vẫn mang đậm phong cách của Mac.

Rhapsody sau đó trở thành Mac OS X Server 1.0 vào tháng 3/1999. Vẫn dựa vào những thành phần nói trên, OS X Server 1.0 là phiên bản bán lẻ đầu tiên của một nền tảng mang thương hiệu Apple nhưng được xây dựng từ một số chi tiết của NeXT.









Sau Mac OS X Server 1.0, Apple tiếp tục ra mắt thêm loạt phiên bản thử nghiệm dành cho lập trình viên là OS X Developer Previews, bao gồm hai bản là DP1 và DP2, với giao diện không có nhiều thay đổi. Ngày nay chương trình thử nghiệm này vẫn còn nguyên tên gọi như thế.

Những ngày đầu của Aqua

Đến tháng 1/2000, Apple giới thiệu một giao diện mới cho OS X. Vậy tên của nó là gì?

Aqua.

Giao diện người dùng này được thiết kế phỏng theo phần cứng của Apple thời bấy giờ. Vào năm 2000, Apple ra mắt loại iMac và iBooks với rất nhiều màu sắc bắt mắt, và những màu đó đã được mang vào giao diện của hệ thống. Điển hình nhất là các nút đóng, thu nhỏ và phóng to cửa sổ giờ đây mang màu đỏ, vàng và xanh. Hộp thoại lựa chọn, các nút dùng trong ứng dụng và cả thanh menu cũng được làm bóng bẩy hơn, và những chi tiết đó vẫn còn được hãng sử dụng đến tận bây giờ. Aqua ra mắt lần đầu tiên trong bản OS X DP3.







Trong bài đánh giá của mình, cây bút John Siracusa của trang ArsTechnica đã nói về Aqua như sau:

"Như bất kì ai đã từng xem ảnh chụp màn hình, tôi thấy Aqua trông rất tuyệt. Ngay cả khi đây chỉ mới là một phiên bản thử nghiệm hạn chế nhưng ấn tượng mà Aqua để lại là tuyệt vời. Tất cả những chi tiết giao diện trông tuyệt y như ảnh chụp màn hình trên trang web của Apple. Một số thậm chí nhìn còn đẹp hơn".

Mặc dù vậy, Aqua cũng gặp phải một số vấn đề. Siracusa chỉ ra rằng thanh dock của hệ thống quá lộn xộn và nó chính là thứ làm cho Aqua trở nên kém hấp dẫn đi trong mắt nhiều người. Finder vẫn cần được cải tiến, nhưng nó đang đi đúng hướng trong việc cung cấp một trải nghiệm tương tự như khi sử dụng trình duyệt trong một cửa sổ Finder truyền thống. Phần nhân của OS thì vẫn khỏe và khá tốt, tuy nhiên có một số khu vực trong suốt hoặc bán trong suốt khiến người dùng không thể đọc được nội dung viết trên đó, ví dụ như thanh tiêu đề của cửa sổ. Nút quả táo  đặt ra giữa màn hình cũng gây nhiều trở ngại cho việc thao tác.

Đến khi Mac OS 10.0 Cheetah ra đời vào tháng 3/2001 (sau bốn lần developer preview và một lần public beta), Apple đã khắc phục những nhược điểm của giao diện Aqua, bao gồm cả logo Apple chướng mắt. Và nếu bạn có đang dùng OS X thì bạn cũng sẽ cảm thấy giao diện của Cheetah vô cùng quen thuộc. Điều này là do Apple không thay đổi nhiều thành phần của OS X sau từng ấy năm ngoại trừ việc thêm tính năng và tăng tốc độ hoạt động.







Đến Mac OS X 10.1 Puma, Aqua vẫn còn đó và hầu như hoàn toàn giống với Cheetah, có điều các nút được làm ít bóng bẩy và ít màu mè hơn.







Tương tự, Mac OS X 10.2 Jaguar cũng trông rất giống Puma.







Tuy nhiên, cái gì cũng sẽ trở nên già cỗi và người dùng bắt đầu đòi hỏi một thứ mới hơn. Sự thay đổi đó bắt đầu từ bản 10.3 Panther. Mặc dù nhiều chi tiết của Aqua vẫn còn được giữ lại, ví dụ như logo, các nút chức năng cửa sổ nhiều màu sắc, nhưng khu vực tiêu đề cửa sổ đã được chuyển thành kiểu sơn phay xước mô phỏng kim loại thay cho kiểu trong suốt trước đó.







Trong phiên bản tiếp theo là Mac OS X 10.4 Tiger, Apple cũng không thực hiện nhiều thay đổi về giao diện người dùng, mặc dù cũng có một số thứ được cải tiến như hộp thoại thông báo hay font chữ mới mượt hơn.







Tuy nhiên, phiên bản kế nhiệm cho Tiger lại là một sự lột xác hoàn toàn. Mac OS X 10.5 Leopard xuất hiện như một nấm đấm thật mạnh. Thanh tiêu đề cửa sổ được làm phẳng và mượt hơn, Apple cũng chia tay với các đường phay xước kim loại. Phần bo tròn đặc trung cho thanh menu hệ thống cũng đã được gỡ bỏ lần đầu tiên kể từ năm 1984. Lên tới OS X 10.6 Snow Leopard thì không có gì mới được bổ sung.







Vào tháng 10/2010, Apple tổ chức một sự kiện mang tên "Back to the Mac". Trong sự kiện đó, hãng đã giới thiệu Mac OS X 10.7 Lion. Hệ điều hành mới này mang nhiều tính năng của iOS lên máy tính, bao gồm tính năng cho phép ứng dụng chạy toàn màn hình, cải thiện việc hỗ trợ cử chỉ cảm ứng với touchpad, một hệ thống duyệt app với tên gọi Launch Pad.







Tuy nhiên, về mặt giao diện thì chúng ta cũng không thấy nhiều sự khác biệt so với Snow Leopard, ngoại trừ một số ứng dụng như Calendar được phủ một lớp đồ họa giả da nhìn không liên quan gì đến phần còn lại của hệ thống.







OS X 10.8 đã khắc phục những hạn chế này, nhưng xu hướng sử dụng quá nhiều chi tiết từ iOS vẫn tiếp tục diễn ra.

Giờ đây, OS X Mavericks 10.9 thì lại quay trở lại nguyên thủy và nó trông giống với OS X 10.6 hơn bao giờ hết. Tính đến thời điểm, hiện tại thì không nhiều thành

phần của Aqua nguyên thủy còn sót lại. Cũng chưa chắc là Apple vẫn còn dùng cái tên Aqua để chỉ giao diện của mình.







Vậy còn trong tương lai thì sao?

Có nhiều tin đồn nói rằng OS X 10.10 sắp ra mắt sẽ được làm mới giao diện một cách mạnh mẽ. Dựa trên những thông tin gần đây cộng với xu hướng của iOS 7, chúng ta có thể dự đoán rằng Apple sẽ đem phong cách phẳng lên OS X.

Trang 9to5Mac mới đây đã nói rằng:

"OS X 10.10 sẽ là phiên bản thay thế cho OS X 10.9 Mavericks hiện nay. Mavericks tập trung vào những tính năng nhắm đến người dùng chuyên nghiệp cùng các cải tiến mà người dùng không dễ thấy được nhằm nâng cao hiệu năng hoạt động, thời lượng pin và khả năng xử lí đồ họa. Còn với 10.10, Apple tập trung vào mặt thẫm mĩ. Theo nhiều nguồn tin của chúng tôi, phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm mảng thiết kế là Jony Ive đang dẫn đầu một đợt cải tiến lớn về giao diện cho OS X, và thiết kế mới sẽ là một tính năng chủ chốt của nền tảng này".

Thiết kế mới được cho là sã không hoàn toàn giống iOS 7, tuy nhiên nó sẽ bao gồm nhiều thành phần phẳng và các chi tiết màu trắng thay vì những đối tượng nhằm mô phỏng lại sự vậy ngoài đời thuật. Quá trình thiết kế mới hệ thống hiện đang là ưu tiên hàng đầu đối với Apple và tất cả mọi thông tin liên quan đều được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Apple cũng được cho là đang thử nghiệm những tính năng mới như Siri cho OS X hay hỗ trợ chia sẻ file qua AirDrop với thiết bị iOS, tuy nhiên không rõ những thứ này có được mang vào OS X 10.10 hay không.

Vậy tại sao việc thống nhất giao diện của OS X đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết? Craig Hockenberry, một người làm trong lĩnh vực công nghệ và cũng là người có nhiều bài viết cứng cỏi, có ý tưởng như sau:

"Tôi không nghi ngờ gì về việc Apple sẽ làm mới giao diện của OS X trong phiên bản kế tiếp. Trong bối cảnh ngày càng nhiều ứng dụng thu hẹp lại sự khác biệt giữa phiên bản desktop và bản mobile, việc thiếu đi sự thống nhất trong thương hiệu và thiết kế sẽ trở thành một vấn đề lớn. Tôi rất mong đợi sẽ được thấy một giao diện phẳng hơn, các icon theo hình vuông bo tròn, một thanh dock với, và font Helvetica Neue mảnh sẽ được xài làm font chữ hệ thống. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Lucida Grande tiếp tục được sử dụng trong bản 10.9. Tuy nhiên, tôi sẽ buồn nếu điều đó xảy ra. Nó đã giúp định nghĩa OS X trong nhiều năm, nhưng tôi cá rằng 10.10 sẽ sử dụng kiểu chữ mới".




Một ý tưởng thiết kế OS X 10.10



Chương trình OS X Beta Seed mới được Apple ra mắt gần đây cũng là một điểu thú vị. Chắc chắn rằng những bản build mới của OS X 10.9 không quan trọng đến mức Apple phải mở hẳn một chương trình thử nghiệm dành cho bất kì ai có hứng thú chứ không bị giới hạn trong giới lập trình viên như trước. 10.9.3 không mang lại nhiều điểm cải tiến cho hệ thống, nhưng những gì diễn ra sau đó thì có thể. Nếu 10.10 sở hữu một chiếc áo hoàn toàn mới lạ thì chẳng phải việc có nhiều người tham gia thử nghiệm và phản hồi sẽ tốt hơn là một nhóm nhỏ những "chuyên gia máy tính" hay sao?

Hồi iOS 7 ra mắt, người ta đã khoe với bạn bè của mình phiên bản beta của hệ điều hành này như một món đồ chơi mới rất bắt mắt. Cũng không quá khó để tưởng tượng việc Apple sẽ áp dụng một lớp "nước sốt" mới cho hệ điều hành đang ngày càng già đi của mình. Chúng ta sẽ được biết nhiều hơn về OS X vào ngày 2/6 khi sự kiện thường niên WWDC 2014 diễn ra..

Nguồn Tinhte

View more random threads: