Nhiều học sinh người Ca Dong ở xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) đi học xa nhà đã được người dân cho ở trọ và đối xử như con cháu trong nhà.

Phái nữ khổ sở vì miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội

9x kể chuyện ông ngoại đạp xe đi phát quà cho con cháu

Chiều xuống, chị Nguyễn Thị Thu (37 tuổi) tất bật nấu cơm và dọn ra giữa nhà sàn. Bốn đứa trẻ đi học về cất sách vở, thay áo quần rồi ngồi xuống ăn cơm.

Trong bốn đứa trẻ có hai đứa là con của chị, còn hai đứa là học sinh trọ tại nhà chị. Chị Thu kể vào tháng 9-2017, lúc thầy cô giáo ở Trường tiểu học Nông Văn Dền vận động gia đình chị cho học sinh ở bán trú, hai vợ chồng cũng hơi e ngại.


Nhưng vì thấy thương các cháu còn quá nhỏ mà nhà xa, không thể đi đi về về trong ngày nên gia đình chị cho hai em Trần Thị Hoàng và Hồ Văn Nhơn (học sinh lớp 5/2) tá túc tại nhà của mình ăn ở, học hành.

“Gia đình tui có hai căn nhà sàn nên hai vợ chồng bàn bạc dành một căn cho các cháu ăn ở, học tập. Chúng tui còn mua thêm bàn ghế để các cháu học bài nữa” – chị Thu nói.

Thầy Trần Ngọc Mẫn, hiệu trưởng Trường tiểu học Nông Văn Dền, cho biết: “Các em học sinh xa nhà nên phải ở trọ nhà dân và bà con đã cưu mang đùm bọc các em như người trong nhà”.

Thầy Mẫn kể năm 2015, nhà trường triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ theo quyết định 85 của Chính phủ cho hàng chục em học sinh người Ca Dong.

Nhưng do nhà trường không có khu bán trú nên các em phải xin trọ lại nhà dân quanh trường, số tiền hỗ trợ các em mỗi tháng sẽ được chuyển cho người dân để nuôi các em ăn ở (tiền ở 130.000 đồng, tiền ăn là 520.000 đồng và 15kg gạo).

Thầy Mẫn cho biết: “Ban đầu vận động khó lắm vì người dân ngại cho các em ở trọ, sợ nảy sinh chuyện không hay. Tuy nhiên, nhờ các thầy cô thuyết phục nên bà con mới chịu nhận. Giờ các em đã có nơi ăn ở ổn định tại nhà dân với điều kiện tốt nên rất an tâm học tập”.

Bà Hồ Thị Xếch (80 tuổi) gần hai năm nay cũng cưu mang bốn học sinh của Trường tiểu học Nông Văn Dền. Hằng ngày sau khi đi học về, các em chia nhau ra quét nhà, đun nước giúp bà.

“Có mấy cháu ở trong nhà tui thấy vui, nhà có tiếng con nít cũng đỡ buồn. Nhà tôi có gì thì các cháu ăn nấy như người trong gia đình mình thôi” – bà Xếch tâm sự.

Em Hồ Văn Quang (lớp 5/2) cho biết ba mẹ em đã đến nhà bà Xếch để xin cho con mình ở trọ. “Tụi cháu ở đây quen rồi nên coi như nhà mình. Ở đây gia đình bà đối xử tốt với cháu và các bạn lắm” – Quang bộc bạch.



Chị Thu kể ngoài lo cho hai đứa con mình, mỗi ngày chị còn phải tất bật chăm sóc, giặt giũ cho hai cháu ở trọ. Đến tháng ba mẹ các cháu nhận tiền hỗ trợ ở, ăn thì gửi cho chị để lo cho các cháu. Lúc nào có thì họ gửi, còn chưa có chị vẫn vui vẻ ứng trước gạo, thức ăn trong nhà nấu cho các cháu.

“Con mình ăn uống ra sao thì các cháu cũng vậy. Thậm chí áo quần đôi lúc mình mua cho con thì cũng mua cho các cháu để chúng khỏi tủi thân” – chị Thu còn cho biết so với số tiền ba mẹ các cháu gửi với công chị chăm sóc thì chẳng thấm vào đâu!

Thầy Huỳnh Ngọc Huân, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nông Văn Dền, cho biết người dân ở quanh trường rất tốt bụng.

Nhờ lòng tốt của họ mà gần 80 học trò của trường nhiều năm nay có điều kiện ăn học, bám lấy con chữ, nuôi ước mơ của mình.

View more random threads: