1/ Phân loại hoạt động doanh nghiệp
Hoạt động của một doanh nghiệp có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy theo yêu cầu thông tin cho quản lý:

– Theo lĩnh vực hoạt động: toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp bao gồm hoạt động kinh doanh (hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu), hoạt động đầu tư (hoạt động mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản dài hạn) và hoạt động tài chính (hoạt động liên quan đến việc thay đổi quy mô và kết cấu vốn chủ sở hữu và vốn vay).

Tham khảo thêm các bài viết sau:
+ giá thành sản phẩm
+ khái niệm báo cáo tài chính

– Theo nguồn thu chịu thuế: hoạt động của doanh nghiệp được chia thành hoạt động SXKD (hoạt động tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, BĐS đầu tư), hoạt động đầu tư tài chính (hoạt động đầu tư về vốn và đầu tư tài chính với mục đích kiếm lời) và hoạt động khác (hoạt động xảy ra ngoài dự kiến của doanh nghiệp).

– Theo quan hệ với báo cáo tài chính: mà doanh nghiệp tiến hành chia ra hoạt động kinh doanh (gồm hoạt động SXKD và hoạt động đầu tư tài chính) và hoạt động khác.

2/ Đặc điểm nghiệp vụ bán hàng
Bán hàng là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình hoạt động SXKD của đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm, hàng hóa trong xã hội và thu hồi lại vốn để tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh, là quá trình chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa từ tay người bán hay còn là quá trình bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, hàng hóa mua vào cho khách hàng và thu tiền hàng hoặc được khách hàng chấp nhận thanh toán.

Hàng hóa phải thỏa mãn các điều kiện sau khi được xem là hàng bán:

– Hàng hóa phải thông qua quá trình mua bán và thanh toán theo phương thức thanh toán nhất định;

– Hàng hóa phải được chuyển giao quyền sở hữu sang bên mua, doanh nghiệp đã thu được tiền hay hàng hóa khác hoặc được người mua chấp nhận nợ;

– Hàng hóa bán ra phải thuộc diện kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, mua vào hay gia công chế biến rồi bán ra.

Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng được xem là hàng bán:

– Hàng hóa xuất bán cho các đơn vị nội bộ doanh nghiệp có tổ chức kế toán riêng;

– Hàng hóa dùng để trao đổi lấy hàng hóa khác không tương tự về bản chất và giá trị;

– Doanh nghiệp xuất hàng tiêu dùng nội bộ;

– Hàng hóa doanh nghiệp sản xuất, mua vào và xuất ra làm hàng mẫu;

– Hàng hóa xuất để biếu tặng, trả lương, trả thưởng cho cán bộ công nhân viên, chia lãi cho các bên góp vốn liên doanh.

3/ Yêu cầu quản lý và nhiệm vụ trong quá trình tiêu thụ và xác định kết quả kinh doanh
a/ Yêu cầu quản lý trong quá trình tiêu thụ và xác định kết quả kinh doanh
Trong quá trình tiêu thụ, tài sản của doanh nghiệp được chuyển từ hình thái hàng hóa sang hình thái tiền tệ. Do đó, để quản lý tốt trong quá trình tiêu thụ và cũng như xác định chính xác KQKD của doanh nghiệp cần phải đảm bảo các chỉ tiêu như sau:

Quản lý về doanh thu bán hàng: đây là cơ sở quan trọng để xác định nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở xác định KQKD của doanh nghiệp. Quản lý doanh thu bao gồm:

– Quản lý doanh thu thực tế: là doanh thu được tính theo giá bán ghi trên hóa đơn hay trong hợp đồng kinh tế.

– Quản lý các khoản giảm trừ doanh thu: là các khoản phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, cuối kỳ được trừ khỏi doanh thu thực tế.

– Doanh thu thuần là doanh thu thực tế về bán hàng trong kỳ, là cơ sở xác định kết quả bán hàng.

Quản lý tình hình thu hồi tiền, tình hình công nợ và thanh toán công nợ phải thu của người mua. Đồng thời, quản lý giá vốn hàng bán đã tiêu thụ, đây là cơ sở để xác định kết quả bán hàng.

Nguồn: https://luanvan1080.com/tong-quan-ve...inh-doanh.html