1/ Vai trò của tiền lương tối thiểu
Việc quy định tiền lương tối thiểu là cơ sở để xác định tiền lương thực tế của người lao động được người sử dụng lao động trả cho dựa trên từng tính chất công việc, điều kiện lao động nhằm bảo vệ quyền lợi tối thiểu cho con người khi tham gia quan hệ lao động. Đồng thời tiền lương tối thiểu cũng góp phần điều hoà quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.

Tham khảo thêm các bài viết khác:
+ lập kế hoạch kiểm toán
+ chính sách tỷ giá

Tiền lương tối thiểu còn có tác động lớn đến điều kiện kinh tế – xã hội, đến cung, cầu, tình trạng lạm phát và quá trình công nghiệp hoá đất nước.

Tiền lương tối thiểu có vị trí và vai trò rất quan trọng. Hiện nay, chế độ tiền lương bao gồm các nội dung cơ bản: tiền lương tối thiểu, hệ thống thang bảng lương, các chế độ phụ cấp lương, chế độ tiền thưởng. Trong đó tiền lương tối thiểu có vị trí đặc biệt, nó là mức “sàn”, là cơ sở để xác định các nội dung khác trong chế độ tiền lương. Vị trí đặc biệt quan trọng của tiền lương tối thiểu được thể hiện ở chỗ:

* Thứ nhất, tiền lương tối thiểu là cơ sở để Nhà nước và người sử dụng lao động xác định các thang, bảng lương phù hợp với đơn vị mình.

* Thứ hai, tiền lương tối thiểu là cơ sở để tính toán các khoản phụ cấp và thưởng trả cho người lao động.

* Thứ ba, tiền lương tối thiểu là cơ sở để thực hiện một số chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công.

Tiền lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng, cụ thể:

– Tiền lương tối thiểu là sự đảm bảo có tính pháp lý của Nhà nước đối với người lao động trong mọi ngành nghề, khu vực có tồn tại quan hệ lao động, đảm bảo đời sống tối thiểu cho họ phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

– Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ người lao động khi tham gia quan hệ lao động, Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu như là một sự đảm bảo về mặt pháp lý đối với người lao động.

Trong quan hệ lao động, người lao động phải bỏ ra một lượng sức lực nhất định để tạo ra giá trị thặng dư và nhận một khoản tiền công do người sử dụng lao động trả.

2/ Phân loại tiền lương tối thiểu
Việc phân loại tiền lương tối thiểu có ý nghĩa pháp lý quan trọng.

– Thứ nhất, giúp chúng ta phân biệt được loại tiền lương tối thiểu này với loại tiền lương tối thiểu khác, từ đó đưa ra được các cơ chế điều chỉnh hợp lý tuỳ thuộc vào đặc trưng của mỗi loại.

– Thứ hai, đảm bảo được sự công bằng trong việc trả lương cho người lao động khi điều kiện lao động có những yếu tố khác nhau nhất định. Hiện nay, có nhiều cách phân loại tiền lương tối thiểu khác nhau với những tiêu chí khác nhau cho thấy sự phong phú, đa dạng của tiền lương tối thiểu.

a/ Căn cứ vào tính chất và phạm vi áp dụng của tiền lương tối thiểu, chúng ta có: tiền lương tối thiểu chung, tiền lương tối thiểu vùng, tiền lương tối thiểu ngành và tiền lương trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

– Tiền lương tối thiểu chung

+ Tiền lương tối thiểu chung là mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng chung cho người lao động làm việc trong mọi ngành nghề, mọi khu vực trong cả nước.

+ Tiền lương tối thiểu chung là loại tiền lương phổ cập được áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ quốc gia, không phân biệt vùng, ngành kinh tế cũng như quan hệ lao động. Mọi mức lương kể cả mức lương tối thiểu khác cũng không được thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Nói cách khác, lương tối thiểu chung phải đảm bảo là “lưới an toàn chung”, là nền thấp nhất để trả công cho lao động xã hội, là cơ sở để xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và các loại tiền tối thiểu khác.

– Tiền lương tối thiểu theo ngành

Tiền lương tối thiểu theo ngành là loại tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định để áp dụng cho người lao động trong một ngành hoặc một nhóm ngành có tính chất kỹ thuật tương đồng trên cơ sở tiền lương tối thiểu chung và có tính đến các yếu tố lao động đặc thù của từng ngành nghề đó sao cho tiền lương tối thiểu theo ngành ít nhất cũng phải bằng hoặc phải cao hơn tiền lương tối thiểu chung.

Trên thực tế, các ngành nghề khác nhau thì có những yếu tố đặc trưng không giống nhau áp dụng chung cùng một mức lương là không hợp lý. Mục tiêu của tiền lương tối thiểu theo ngành là nhằm đảm bảo khả năng tái sản xuất lao động giản đơn cho người lao động và gia đình họ với yêu cầu mức độ phức tạp và trình độ tay nghề thấp nhất trong một ngành mà các yếu tố này chưa thể hiện ở mức lương tối thiểu chung.

-Tiền lương tối thiểu vùng

Tiền lương tối thiểu vùng là mức lương tối thiểu được áp dụng cho từng vùng lãnh thổ nhất định, căn cứ trên mức lương tối thiểu chung và có tính đến những yếu tố đặc thù vùng lãnh thổ đó như điều kiện kinh tế của vùng, trình độ phát triển kinh tế của vùng, mức thu nhập bình quân trên đầu người của từng vùng, mức chi tiêu tối thiểu chung của vùng và các yếu tố có liên quan khác như điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại, yếu tố địa lý…

Phạm vi áp dụng của tiền lương tối thiểu vùng hẹp hơn so với tiền lương tối thiểu chung vì nó chỉ áp dụng cho một vùng lãnh thổ nhất định đặc trưng bởi những yếu tố địa lý như đồng bằng, miền núi, trung du, miền biển khác nhau… do đó, ảnh hưởng khác nhau đến quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt của người lao động và gia đình họ.

Mục tiêu của tiền lương tối thiểu theo vùng là đáp ứng sự khác biệt về không gian của các yếu tố chi phối tiền lương tối thiểu chung, nhấn mạnh yếu tố đặc thù của từng vùng cũng như chiến lược phát triển trong từng vùng đó.

Việc quy định mức lương tối thiểu theo vùng không chỉ đảm bảo sức mua của mức tiền lương tối thiểu chung tại các vùng với các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị đặc biệt hơn để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người lao động mà còn góp phần điều tiết cung- cầu lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tạo ra dòng di chuyển lao động và dân cư hợp lý giữa các vùng, góp phần điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp giữa các vùng.

Đồng thời nó còn tiến tới hoàn thiện hệ thống trả công lao động, loại bỏ một số phụ cấp trong tiền lương như phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút lao động.

– Tiền lương tối thiểu trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Đây là loại tiền lương tối thiểu đặc biệt bởi nó chỉ áp dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế đóng tại Việt Nam có thuê mướn lao động là người Việt Nam.

Việc quy định một mức lương tối thiểu riêng cho các đối tượng này xuất phát từ thực tế hiện nay, các quan hệ lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi chế độ lao động và chi phí lao động cao hơn so với các quan hệ lao động khác.

Đồng thời, do cách thức tổ chức, quản lý lao động và việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến mà năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động ở đây cũng cao hơn so với các quan hệ lao động khác trong xã hội, do đó đòi hỏi mức lương tối thiểu cũng phải cao hơn so với mặt bằng lương tối thiểu chung. Đây là hành lang pháp lý quan trọng, là công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ người lao động Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng chỉ có tính chất nhất thời. Chúng sẽ mất đi khi mà những sự khác biệt trên không còn tồn tại.

b/ Căn cứ vào thẩm quyền quyết định và công bố mức lương tối thiểu, chúng ta có các loại tiền lương tối thiểu:

– Tiền lương tối thiểu do Chính phủ quyết định và công bố

Tiền lương tối thiểu có vai trò quan trọng không chỉ đối với chính sách tiền lương mà ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người lao động và sự tăng trưởng phát triển kinh tế – xã hội trong các thời kỳ. Cho nên việc công bố tiền lương tối thiểu là rất quan trọng, phải thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới đảm bảo được hiệu lực pháp lý và tầm quan trọng của nó.

– Tiền lương tối thiểu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định và công bố

Trong một số trường hợp, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi lấy ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện của người sử dụng lao động và các bộ ngành liên quan sẽ có thẩm quyền quyết định và công bố mức lương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nguồn : https://luanvan1080.com/vai-tro-va-c...toi-thieu.html