Liên quan đến quá trình cạnh tranh giữa các chủ thể có các thuật ngữ khác nhau, như “Năng lực cạnh tranh” (Competitiveness), “Sức cạnh tranh” (Competitive Edge), “Khả năng cạnh tranh” (Competitive Capacity), “Lợi thế cạnh tranh” (Competitive Advantage) và “Tính cạnh tranh” (Competitivity). Những thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến và đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Trong thực tế, các thuật ngữ “Năng lực cạnh tranh”, “Sức cạnh tranh” và “Khả năng cạnh tranh” đều được dùng là “Competitiveness”.

Tham khảo thêm các bài viết sau:
+ Lý thuyết hành vi người tiêu dùng
+ nghiên cứu hành vi mua sắm trực tuyến
+ các hình thức cho vay của ngân hàng

Năng lực cạnh tranh là khái niệm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết nối và tổ hợp hệ thống nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài ở các cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp DN với tư cách là những thực thể độc lập. Theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt thì “Năng lực” là (1) những điều kiện đủ hoặc vốn có để làm một việc gì; (2) khả năng đủ để thực hiện tốt một công việc [57]. Do vậy có thể khẳng định, năng lực cạnh tranh là khả năng giành thắng lợi hay lợi thế của chủ thể cạnh tranh (cá nhân hay tổ chức, DN hay quốc gia) trong việc thực hiện cùng mục tiêu nào đó, mục tiêu ấy được khái quát nhất là, hiệu quả cao và phát triển bền vững. Kế thừa những quan niệm đã trình bày, tác giả đưa ra khái niệm về năng lực cạnh tranh như sau: Năng lực cạnh tranh là khả năng tạo lập được những thuận lợi hay lợi thế của chủ thể cạnh tranh thông qua quá trình đổi mới và sáng tạo liên tục nhằm đạt được mục tiêu với hiệu quả cao và bền vững.

Vấn đề liên quan đến cạnh tranh đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân và các nhà nghiên cứu. Dẫu đến nay có nhiều quan điểm khác nhau về năng lực cạnh tranh trên các cấp độ: quốc gia, DN và sản phẩm, song chưa có một lý thuyết nào hoàn toàn được thừa nhận về vấn đề này, do đó chưa có lý thuyết “chuẩn” về năng lực cạnh tranh [7]. Thậm chí năng lực cạnh tranh cùng cấp độ cũng có những phương pháp đánh giá khác nhau, chẳng hạn, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia thì trên thế giới cũng đã có hai hệ thống lý thuyết với hai phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia được các nước và các thiết chế kinh tế quốc tế sử dụng phổ biến là: 1- Phương pháp do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thiết lập trong bản Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu; 2- Phương pháp do Viện Quốc tế về Quản lý và Phát triển (IMD) đề xuất trong Niên giám Cạnh tranh thế giới. Cả hai phương pháp trên đều do một số Giáo sư đại học Harvard như Michael Porter, Jeffrey Sachs và chuyên gia của WEF như Peter Cornelius, Macha Levinson tham gia xây dựng [55].

Sau đây sẽ làm rõ một số nội dung liên quan đến nội hàm và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh theo các cấp độ được phổ biến thừa nhận cùng với năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và mối quan hệ giữa chúng để trên cơ sở đó hoàn thiện nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.