Khái niệm và đặc trưng của ngân hàng thương mại
1. Khái niệm ngân hàng thương mại
Quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống Ngân hàng đã tạo ra các ngân hàng thương mại, được biết đến với chức năng kinh doanh tiền tệ. Hơn bất cứ tổ chức tài chính nào khác, NHTM luôn được coi là bách hoá tài chính, cung ứng rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ về tài chính. “Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất – đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán – và cũng thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế” [42] để xây dựng khái niệm NHTM, có thể dựa vào tính chất và mục đích hoạt động của nó trên thị trường tài chính, hoặc kết hợp tính chất, mục đích và đối tượng hoạt động.

các bài viết có thể xem thêm:
+ mô hình nghiên cứu sự hài lòng của nhân viên
+ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng
+ chính sách tỷ giá hối đoái ở việt nam hiện nay


Theo luật pháp nước Mỹ: “bất kỳ một tổ chức nào cung cấp tài khoản tiền gửi 1 Ngân hàng Trung ương Thuỵ điển – Bank of Sweden thành lập vào năm 1669 được coi là NH trung ương đầu tiên trên thế giới, tiếp đến là Ngân hàng Trung ương Anh – Bank of England, 1694, NH Trung ương Mỹ – US Federal Reserve, 1912. cho phép KH rút tiền theo yêu cầu (như bằng cách viết séc hay bằng việc rút tiền điện tử) và cho vay đối với tổ chức kinh doanh hay cho vay thương mại sẽ được xem là một NH”. [42]

Theo Luật Ngân hàng của Pháp năm 1941 “những xí nghiệp hay cơ sở hành nghề thường xuyên nhận của công chúng dưới hình thức ký thác hay hình thức khác các số tiền mà họ dùng vào các nghiệp vụ chiết khấu, tín dụng hay tài chính thì được coi là Ngân hàng” [19].

Luật Ngân hàng của Ấn độ ban hành năm 1950, bổ sung năm 1959 đã quy định: “Ngân hàng là cơ sở nhận các khoản tiền ký thác để cho vay hay tài trợ, đầu tư” [19].

Khái niệm Ngân hàng thương mại của Luật Ngân hàng (đan Mạch, 1930) căn cứ vào sự kết hợp với đối tượng hoạt động: “Những Ngân hàng thiết yếu gồm các nghiệp vụ nhận tiền ký thác, buôn bán vàng bạc, hành nghề thương mại và các giá trị địa ốc, các phương tiện tín dụng và hối phiếu, thực hiện các nghiệp vụ chuyển ngân, bảo hiểm,…” [19].

Ở Việt Nam, theo quy định tại điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng Số 47/2010/QH12 được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 16/6/2010:

“Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.”.

“Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.” [56].
Như vậy, với tư cách là trung gian tài chính, kinh doanh tiền tệ và cung ứng nhiều dịch vụ tài chính, khái niệm Ngân hàng thương mại có thể được xây dựng từ nhiều bình diện khác nhau. Cùng với sự phát triển của hệ thống Ngân hàng trên khắp thế giới, quy định pháp luật của từng quốc gia lại có thể mở rộng tối đa hoặc hạn chế hoạt động của Ngân hàng thương mại trong một số lĩnh vực nhất định.

Trong khuôn khổ nghiên cứu của luận án này, khái niệm về Ngân hàng thương mại được xây dựng theo cách tiếp cận truyền thống qua chức năng và các hoạt động cơ bản của nó.

Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế.

Hoạt động kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng thương mại được biểu hiện qua chênh lệch tỷ giá hối đoái; chênh lệch lãi suất; chuyển đổi kỳ hạn nguồn vốn – tài sản; chuyển đổi rủi ro nguồn vốn – tài sản; và tích tụ và tập trung tư bản.

2. Đặc trưng của ngân hàng thương mại
* Về cấu trúc tài chính và tài sản: là doanh nghiệp có quy mô lớn, hệ số nợ rất cao và cấu trúc tài sản đặc biệt
Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp có quy mô lớn trên cả giác độ vốn chủ sở hữu và tổng tài sản. Ở Việt Nam, vốn chủ sở hữu của các Ngân hàng thương mại là hàng nghìn tỷ đồng. đối với các Ngân hàng thương mại trên thế giới, vốn chủ sở hữu lên tới nhiều tỷ đô la Mỹ. Mạng lưới các chi nhánh Ngân hàng thường rất lớn và phân tán rộng về địa lý. Trong khi quy mô về vốn chủ sở hữu đã rất lớn, nguồn vốn của Ngân hàng thương mại lại chủ yếu là nợ được huy động từ bên ngoài Ngân hàng. Cấu trúc tài sản của Ngân hàng thương mại đặc biệt hơn so với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác là ở tỷ trọng tài sản tài chính. Phần lớn tài sản của Ngân hàng thương mại là tài sản tài chính, mang đặc trưng trừu tượng, hình thái vật chất giản đơn chỉ là giấy tờ hoặc thậm chí chỉ là dữ liệu điện tử được lưu giữ trong một thiết bị nhất định. Bên cạnh đó, Ngân hàng thương mại thường có xu hướng liên tục phát triển các sản phẩm, công cụ tài chính mới.

* Hoạt động của Ngân hàng thương mại luôn chứa đựng nhiều rủi ro và chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của hệ thống luật pháp
Trên giác độ tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp có hệ số nợ cao sẽ dẫn đến rủi ro trong hoạt động cũng cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn nợ chủ yếu của Ngân hàng thương mại lại là tiền gửi với đặc trưng có thể bị rút ra trước hạn với khối lượng khó xác định. Sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng không được hưởng quy chế bảo hộ độc quyền và mang tính phức tạp, trực tiếp. Hơn nữa, Ngân hàng thương mại tham gia vào nhiều cam kết trong khi chưa chuyển giao vốn thực sự, tức là hoạt động ngoại bảng phong phú và đa dạng. điểm này là một đặc trưng khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Vì những lý do này, hoạt động của Ngân hàng thương mại chứa đựng nhiều rủi ro hơn các ngành kinh doanh khác. Rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng thương mại đa dạng, ở mức độ cao, tích luỹ nhanh và dễ lây lan. Rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng thương mại bao gồm các loại rủi ro đặc thù như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro vốn khả dụng, rủi ro đạo đức,…

Là doanh nghiệp có quy mô lớn, mạng lưới rộng khắp, hoạt động chịu nhiều rủi ro, ảnh hưởng đáng kể đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội, Ngân hàng thương mại chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của hệ thống phát luật. Các quy định pháp lý đối với Ngân hàng thương mại được phổ rộng trên nhiều mặt của hoạt động kinh doanh như: điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn của người lãnh đạo NH, dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, an toàn trong hoạt động, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng vốn tự có đầu tư cho tài sản cố định,…

* Tính liên kết và ổn định của hệ thống Ngân hàng
Hệ thống Ngân hàng có tính phụ thuộc lẫn nhau rất lớn. Hơn bất cứ ngành kinh doanh nào trong nền kinh tế, rủi ro trong hoạt động Ngân hàng có tính lan toả rất nhanh. Hoạt động như một hệ thống các mắt xích liên kết chặt chẽ, chỉ cần một ngân hàng thương mại, dù yếu và nhỏ nhất, gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản, là có thể dẫn đến nguy cơ phá sập hệ thống. Thực tiễn đã cho thấy, thanh khoản được ví như hơi thở của sự sống của hoạt động ngân hàng thương mại. Mọi rủi ro, tổn thất trong hoạt động của ngân hàng thương mại đều có thể dẫn đến hậu quả cuối cùng là Ngân hàng mất khả năng thanh toán rồi phá sản.

Hệ thống Ngân hàng – tài chính trong nền kinh tế rất nhạy cảm với mọi biến động về kinh tế, kỹ thuật, chính trị và xã hội. Những biến động này thường có tác động gần như tức thời đến hoạt động của thị trường tài chính, điển hình là thị trường chứng khoán, theo đó, nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống Ngân hàng. đối với công tác quản lý vĩ mô nền kinh tế, việc nắm bắt được cơ chế hoạt động, ảnh hưởng lẫn nhau của các phần tử trong hệ thống tài chính là một trong những vấn đề cốt yếu, quyết định thành bại.